Bản tin thị trường lao động và tình hình tuyển dụng quý II - năm 2021
PHẦN I. TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
1. Tổng quan tình hình cả nước quý II - năm 2021 Thông cáo báo chí “Tình hình lao động việc làm quý II năm 2021”, ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết: “Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước”. Về lực lượng lao động: lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2021 là 51.1 triệu người, tăng 44.7 nghìn người so với quý trước và tăng 1.7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2021 là 68.5%, giảm 0.2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1.3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62.3%, thấp hơn 12.9 điểm phần trăm so với nam (75.2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66.6%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69.7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26.1%, cao hơn 0.1 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0.8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41.1%, cao hơn 2.3 lần so với khu vực nông thôn (17.6%). Về số người có việc làm: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2021 là 49.9 triệu người, giảm 65,000 người so với quý trước và tăng gần 1.8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II năm 2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13.8 triệu người, giảm 2.25% so với quý trước và tăng 3.47% so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19.4 triệu người, giảm 1.32% so với quý trước và tăng 3.79% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16.6 triệu người đang làm việc, tăng 3.19% so với quý trước, và tăng 3.64% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2021 là 57.4%, tăng 0.3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1.6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức khu vực thành thị là 48.6%, tăng 0.2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1.3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 64.5%, tăng 2.2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.4 điểm phần trăm so với quý trước. Lao động thiếu việc làm: Trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 1.1 triệu người, tăng 173,500 người so với quý trước và giảm 137,100 người so với cùng kỳ năm trước (thiếu việc chiếm 2.60%, tăng 0.4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0.38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2.80% và 2.49%). Khu vực dịch vụ là cao nhất với 35.8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35.6%. Về thu nhập: bình quân 6.1 triệu đồng/tháng, giảm 226,000 đồng/tháng so với quý I và tăng 547,000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2020. Khu vực thành thị có mức 7.5 triệu đồng/tháng, nông thôn là 5.3 triệu đồng/tháng. Về thất nghiệp: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1.2 triệu người, tăng 87,100 người so với quý trước và giảm 82,100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2.62%, tăng 0.2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0.23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3.36%, tăng 0.17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0.95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. |
2. Tình hình nhu cầu nhân lực theo ngành kinh tế tại Tp. Hồ Chí Minh quý II-2021 (nơi có lượng tuyển dụng việc làm lớn nhất của nước). Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Từ ngày 01/01/2021 đến 15/06/2021, Thành phố đã cấp phép 18,441 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 310,988 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 3.8% và vốn tăng 39.2%. Tốc độ tăng này phần lớn là từ đóng góp của khu vực dịch vụ với số lượng doanh nghiệp chiếm 79.8%, tăng 6.6% và vốn đăng ký chiếm 66.7%, tăng 22.2%. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng giấy phép là 13,513, chiếm 73.2% trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép trong 6 tháng đầu năm, tăng 7.5% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 197,764 tỷ đồng, chiếm 63.6%, tăng 23.9%. Ngoài ra, doanh nghiệp cấp mới của nhóm các ngành công nghiệp cũng có tốc độ tăng vốn cao, gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy thị trường lao động sẽ ấm lên và nhu cầu tuyển sẽ tăng. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành kinh tế - dịch vụ tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm: Cần 13,143 chỗ làm việc, chiếm 13.91% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó: ngành cơ khí cần 5,461 chỗ làm việc (chiếm 5.78%); điện tử - công nghệ thông tin cần 2,617 chỗ làm việc (chiếm 2.77%); hóa dược – cao su cần 2,986 chỗ làm việc (chiếm 3.16%); chế biến tinh lương thực thực phẩm cần 2,079 chỗ làm việc (chiếm 2.20%). Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở lao động qua đào tạo, trong đó: trình độ đại học trở lên chiếm 11.14%, cao đẳng chiếm 19.72%, trung cấp chiếm 21.74%, sơ cấp chiếm 33.23%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 14.18%. - Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu: Cần 55,654 chỗ làm việc, chiếm 58.90% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó: Ngành thương mại cần 22,384 chỗ làm việc (chiếm 23.69%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần 3,487 chỗ làm việc (chiếm 3.69%); du lịch cần 2.778 chỗ làm việc (chiếm 2.94%); bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin cần 3,968 chỗ làm việc (chiếm 4.20%); tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm cần 5,887 chỗ làm việc (chiếm 6.23%); kinh doanh tài sản - bất động sản cần 5,830 chỗ làm việc (chiếm 6.17%); dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai cần 6,652 chỗ làm việc (chiếm 7.04%); giáo dục và đào tạo cần 3,222 chỗ làm việc (chiếm 3.41%); y tế cần 1,446 chỗ làm việc (chiếm 1.53%). Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở lao động qua đào tạo, trong đó: trình độ đại học trở lên chiếm 28.66%, cao đẳng chiếm 21.29%, trung cấp chiếm 24.16%, sơ cấp chiếm 10.95%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 14.93%. Nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật - Trình độ đại học trở lên: Nhu cầu nhân lực cần 20,986 chỗ làm việc (chiếm 22.21%), tập trung ở các nhóm nghề: Kinh doanh thương mại (17.2%); marketing (14.95%); kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng (11.66%); kế toán – kiểm toán (8.74%); nhân sự (7.51%); công nghệ thông tin (6.19%); tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm (5.69%); kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử (4.33%); hành chính – văn phòng – biên phiên dịch (3.60%); giáo dục – đào tạo (3.21%);… - Trình độ cao đẳng: Nhu cầu nhân lực cần 19,256 chỗ làm việc (chiếm 20.38%), tập trung ở các nghề: Kinh doanh thương mại (31.37%); kế toán – kiểm toán (8.13%); dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển (6.91%); công nghệ thông tin (6.78%); marketing (6.60%); hành chính – văn phòng – biên phiên dịch (6.53%); kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng (4.46%); giáo dục – đào tạo (3.46%); dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng (3.22%); tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm (3.00%);… - Trình độ trung cấp: Nhu cầu nhân lực cần 29,064 chỗ làm việc (chiếm 30.76%), tập trung ở các nghề: Dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển (71.65%); kinh doanh thương mại (9.91%); hành chính – văn phòng – biên phiên dịch (2.73%); kế toán – kiểm toán (1.82%); cơ khí – tự động hóa (1.77%); kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản (1.69%); tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm (1.49%); công nghệ thông tin (1.33%); dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng (1.24%); kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử (1.19%);... - Trình độ sơ cấp: Nhu cầu nhân lực cần 11,953 chỗ làm việc (chiếm 12.65%), tập trung ở các nghề: Dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển (75.83%); kinh doanh thương mại (4.89%); dệt may – giày da (4.81%); cơ khí – tự động hóa (4.09%); dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng (3.59%); kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử (0.90%); tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm (0.88%); dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống (0.86%); dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (0.73%); hành chính – văn phòng – biên phiên dịch (0.71%);... Nhu cầu nhân lực chưa qua đào tạo cần 13,228 chỗ làm việc (chiếm 14%), tập trung ở lao động giản đơn như: nhân viên bán hàng; nhân viên bảo vệ; tạp vụ; nhân viên thu ngân; nhân viên phục vụ; phụ bếp; giao nhận hàng hóa;… Người tìm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, số người tìm việc tốt nghiệp đại học trở lên chiếm 47.21% số người tìm việc. Trình độ cao đẳng chiếm 25.63%. Trình độ trung cấp chiếm 10.00% và sơ cấp chiếm 5.16% còn lao động phổ thông không qua đào tạo tìm việc khoảng 12%. Về nguyện vọng thu nhập của người tìm việc: có 9.76% có mức nguyện vọng dưới 5 triệu đồng/tháng, chủ yếu là người tìm việc bán thời gian, thực tập sinh, lao động phổ thông, thơ xây dựng, giao hàng ... Với mức nguyện vọng từ 5 triệu đến dưới 10 triệu đồng/tháng có 64.06% tập trung vào người tìm việc nhân viên kinh doanh, nhân viên văn phòng, chăm sóc khách hàng, thu mua, Marketing, xuất nhập khẩu, nhân viên thiết kế đồ họa; nhân viên kho; nhân viên nhập liệu; nhân viên sale admin; nhân viên tư vấn tài chính; trình dược viên; kỹ sư cơ khí; kỹ sư điện;… 16.98% có nguyện vọng thu nhập từ 10 triệu đến dưới 15 triệu đồng/ tháng tập trung vào đối tượng kế toán trưởng; kỹ sư xây dựng; kiến trúc sư; nhân viên thiết kế nội thất; trợ lý giám đốc; trưởng nhóm kinh doanh; quản lý kho; nhân viên logistics; quản lý nhà hàng; nhân viên thiết kế website; nhân viên quản trị mạng; giám sát công trình; chuyên viên pháp chế; chuyên viên kiểm định chất lượng;…Mức từ 15 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 9.17% tập trung vào đối tượng tìm việc ở vị trí quản lý, lãnh đạo cấp trung và cấp cao. Về kinh nghiệm làm việc, kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu “nhảy việc” hay thay đổi việc làm hoặc tìm việc làm mới của đối tượng có kinh nghiệm chiếm đến 71% trong đó nhóm có kinh nghiệm từ 2-5 năm là nhiều nhất (34.80%), người chưa có kinh nghiệm khoảng 28%. Về ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến thị trường lao động. Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021 có đến 82.80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (91.07%). Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng trong đó trung chủ yếu ở ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 34.66%) tiếp đến là cong nghiệp chế biến, chế tạo với tỉ lệ 15.81%. Chính vì hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn nên tình hình lao động, tuyển dụng cũng ảnh hưởng nhiều. Tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2021 có số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chiếm 37.70%. Trong đó, người lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên chiếm 91.84%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 2.43%; người tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 2.35%; người tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 2.18%; người bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 1,20%. Bên cạnh những tín hiệu khả quan từ phát triển kinh tế - xã hội, thị trường sức lao động Thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến lao động – việc làm, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng khắt khe hơn để xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển, yêu cầu đối với công tác tuyển dụng nhân sự cũng cao hơn cả về trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề và thái độ làm việc đây cũng chính là thách thức lớn đối với người lao động. |
PHẦN II. TÌNH HÌNH NHU CẦU TUYỂN DỤNG TRONG QUÝ II-2021 |
Dữ liệu cập nhật trong quý II năm 2021 dựa trên nhu cầu tuyển dụng được đăng tải trên mạng lưới Talent Network – một mạng lưới với hơn 200 cổng thông tin việc làm trên toàn quốc tại các cơ quan báo chí, các trường đại học – cao đẳng, các công ty, nhà tuyển dụng do CareerBuilder Việt Nam và các đối tác triển khai. Mạng lưới có dữ liệu thông tin lớn với quy mô 278,160 lượt tin tuyển dụng (Quý I là 219,845 lượt tin tuyển dụng, tăng 26.53% số lượt tin tuyển dụng), phủ khắp 62/63 tỉnh, thành phố kết nối các khu vực doanh nghiệp, các lĩnh vực, do vậy dữ liệu cũng phản ánh được tình hình thị trường lao động của 66 lĩnh vực ngành nghề tuyển dụng của cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tình hình tuyển dụng trong các lĩnh vực ngành nghề. Quý II ghi nhận hầu hết các lĩnh vực ngành nghề có số lượt tuyển dụng tăng nhiều hơn so với quý I, trong đó: Bán hàng / Kinh doanh, Hành chính / Thư ký, CNTT - Phần mềm, Kế toán / Kiểm toán, Ngân hàng, Quảng cáo / Đối ngoại / Truyền Thông là 6 lĩnh vực ngành nghề có số lượt doanh nghiệp tăng nhiều nhất.
Tình hình tuyển dụng ở các địa phương. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung rất lớn ở các thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tại hai địa phương này chiếm đến 72.32% tổng nhu cầu cả nước, các tỉnh Miền núi phía Bắc thì nhu cầu thấp nhất. Đông Nam Bộ là khu vực có nhu cầu lớn nhất trên các vùng cả nước (chiếm 47.44% nhu cầu cả nước). Kế đến là vùng Đồng bằng Bắc Bộ (chiếm khoảng 35%).
Tình hình lương mà doanh nghiệp dự kiến trả cho người lao động. Khi tuyển dụng, ngoài phần mô tả công việc, doanh nghiệp thường đưa ra mức lương dự kiến sẽ trả cho người lao động, qua thống kê quý II/2021 cho thấy số lượt doanh nghiệp đề nghị trả mức lương khoảng 7,000,000 đồng/tháng là nhiều nhất (16,428 lượt doanh nghiệp) Tiếp đến mức lương khoảng 10,000,000 đồng/tháng cũng được nhiều doanh nghiệp đưa ra (13,254 doanh nghiệp). Mức lương càng cao từ 7,000,000 đồng/tháng trở lên có xu hướng tần suất giảm khi mức lương tăng. Chiều ngược lại, mức lương dưới 5,000,000 đồng/tháng thì ít và chủ yếu thuộc nhóm lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. So sánh giữa quý II so với quý I thì số doanh nghiệp trả mức lương cao (trên 10 triệu đồng/tháng) có xu hướng tăng lên, còn mức lương thấp hơn (từ 10 triệu trở xuống có xu hướng giảm) mặc dù số lượng tuyển dụng quý II cao hơn quý I.
Tình hình tuyển dụng các cấp bậc chức vụ tại doanh nghiệp. Về cấp bậc khi tuyển, các doanh nghiệp có nhu cầu lớn nhất về tuyển nhân sự ở cấp bậc nhân viên, chiếm đến 71.78% (quý I là 76.67%) tổng quy mô, ngoài việc tuyển thực tập sinh và người học mới tốt nghiệp thì xu hướng cấp bậc càng cao nhu cầu sẽ giảm dần. Tần suất tuyển dụng nhân viên và người học mới tốt nghiệp lớn là cơ hội cho người học năm cuối có thể ứng tuyển đi làm sau khi ra Trường. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng tuyển thực tập sinh, tập sự mở ra cơ hội cho người học ứng tuyển nghiêm túc để được doanh nghiệp nhận vào làm thực tập sinh và trở thành nhân viên chính thức sau thời gian tập sự tại doanh nghiệp. So sánh quý II với quý I thì có 5/8 cấp bậc tuyển dụng có xu hướng giảm (cấp từ quản lý cấp trung trở xuống). Còn tuyển dụng cấp cao có xu hướng tăng.
Sự phù hợp của các ngành Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Từ tình hình tuyển dụng của thị trường, các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đối sánh với ngành/chuyên ngành hiện đang đào tạo để có thể đánh giá, rà soát, cải tiến chương tình đào tạo để góp phần đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, đảm bảo cho người học tìm được việc phù hợp và gần với ngành/chuyên ngành đã học. Theo thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo định nghĩa: “Ngành đào tạo là tập hợp những kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến một lĩnh vực khoa học hay một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nhất định”. Trong báo cáo này, nghiên cứu sự phù hợp là tìm hiểu ngành phù hợp, ngành gần, có liên quan đến lĩnh vực tuyển dụng mà doanh nghiệp đang cần tuyển. Báo cáo cũng loại trừ việc thống kê sự phù hợp của các ngành đặc thù như: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (mã: 714), nghệ thuật (mã: 721) Ngôn ngữ, văn học và văn hoá Việt Nam (mã: 72201) Khoa học chính trị (mã: 73102) Khoa học vật chất (mã: 74401) và Khoa học vật chất (mã: 74402) An ninh quốc phòng (mã: 786). Các ngành đặc thù thường được tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục và đạo tạo đặc thù như: Quân đội, Công An, Nhạc viện, Đại học Mỹ thuật, Sư phạm,... Qua theo dõi trong thời gian dài, có thể nhận thấy, doanh nghiệp cũng có sự chọn thông qua các hình thức trực tiếp khác mà không thông qua kênh tuyển dụng trực tuyến. Kết quả phân tích cho thấy khối ngành kinh tế, kinh doanh, tài chính vẫn là khối ngành có tính phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường tuyển dụng. Một số ngành khác như xã hội học, luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, quản lý xây dựng, kiểm toán, CNKT Công trình xây dựng cũng có sự phù hợp lớn về nhân lực đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. 26/26 ngành đang đào tạo tại Trường đều phù hợp/gần với nhu cầu nhân lực của xã hội, tuy có mức độ khác nhau nhưng phản ánh quá trình đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu của người sử dụng lao động là một xu hướng theo đuổi đúng đắn của Trường. So sánh số liệu giữa quý II với quý I thì kết quản dữ liệu phản ánh 26/26 ngành đều có số lượt doanh nghiệp tuyển dụng gần/phù hợp đều tăng lên, trong đó các ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Quản lý xây dựng, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị nhân lực, Kiểm toán, hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Marketing, kinh doanh quốc tế là những ngành có nhu cầu tăng lên đáng kể (từ 25% so với quý I trở lên).
Sự phù hợp của các ngành Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Với hơn 300 mã ngành đào tạo (cấp IV) theo thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, số ngành đào tạo của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 10%, nhu vậy trừ các ngành đào tạo mà có tính đặc thù như khu vực lực lượng vũ trang, sư phạm, văn hóa, nghệ thuật, chính trị, đoàn thể… thì thông tin thị trường là một nguồn thông tin rất quan trọng trong việc khảo sát nhu cầu thị trường tuyển dụng để tiến hành chuẩn bị mọi mặt đảm bảo chất lượng và mở ngành mới nhằm cung ứng nhân lực cho nhu cầu của người sử dụng lao động với quy mô phù hợp năng lực đào tạo của Trường. Trong các ngành Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chưa đào tạo thì có một số ngành có nhu cầu thị trường rất hút nhân sự như thương mại điện tử - mã ngành 7340122 (có 55,990 lượt doanh nghiệp tuyển phù hợp/gần, quý I là 44,651); Kinh doanh thương mại – mã ngành 7340121 (48,621 lượt doanh nghiệp tuyển phù hợp/gần, quý I là 38,264) Khối các ngành Luật: Luật hiến pháp và luật hành chính – mã ngành 7380102; Luật dân sự và tố tụng dân sự - mã ngành 7380103, Luật hình sư và tố tụng hình sự - mã ngành 7380104 cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn (27,865 lượt doanh nghiệp tuyển phù hợp/gần). Các ngành khác cũng có nhu cầu nhiều như các ngành liên quan truyền thông, quản trị văn phòng, bảo hiểm, kinh doanh may thời trang và bất động sản. Một số ngành liên quan đến khối công nghệ thông tin nhưng thiên về an toàn, dữ liệu, kỹ thuật máy tính cũng đang có nhu cầu lớn. Bức tranh tổng quan về nhu cầu tuyển dụng phù hợp/gần đối với 132 ngành theo mã ngành cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có sự tăng trưởng về số lượng tuyeern dụng quý sau cao hơn quý trước, phản ánh về sự phát triển ngành đào tạo của Trường trong thời gian tới cần đầu tư nghiên cứu.
Nhận định về thị trường lao động quý II và dự báo xu hướng tuyển dụng trong giai đoạn tiếp theo. Nhận định sau quý II và 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thống kê đánh giá: Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra mất thời gian dài nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023. Dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu việc làm năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu việc làm vào năm 2022. Dự báo tiến trình phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin còn gặp nhiều khó khăn và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Ở trong nước, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Kết quả điều tra lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý I. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước. Bùng phát đợt dịch thứ 4 năm 2021 rơi vào quý II năm 2021, mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó thị trường lao động và hoạt động tuyển dụng cũng ảnh hưởng nặng nề. Trong tổng số 12.8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557,000 người bị mất việc, chiếm 4.4%; 4.1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31.8%; 4.3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34.1% và 8.5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66.4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21.9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14.3%. Gần một nửa (48.1%) tổng số người thất nghiệp cho biết công việc của họ bị bệnh dịch gây hại (tăng 11,8 điểm phần trăm so với quý trước). Khoảng một phần năm (22.6%) số người đang có việc làm cho biết họ chịu tác động xấu bởi đại dịch (tăng 7.1% điểm phần trăm so với quý trước). Cuối cùng, trong số 23.5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế, 3,8% cho biết phải chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch (giảm 0.5 điểm phần trăm so với quý trước) Thu nhập của người lao động bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6.1 triệu đồng, giảm 226,000 đồng so với quý trước và tăng 547,000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II năm 2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III năm 2020 đến quý I năm 2021. Quý II năm 2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Như vậy, thông qua các số liệu và nhận định của Tổng cục thống kê có thể thấy thị trường lao động quý II và từ nay đến cuối năm 2021 có những diễn biến theo chiều hướng giảm suốt, người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do bùng phát dịch bệnh Covid-19 diễn ra rất phức tạp đặc biệt là tại các tình/ thành phố khu vực phía Nam, trong đó Tp. Hồ Chí Minh – một thị trường lao động và tuyển dụng sôi nổi nhất cả nước sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh thì đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…). Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127,000 chỗ làm việc. Xu hướng việc làm trong 6 tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại cần khoảng 26,048 chỗ làm việc (20.51%); công nghệ thông tin - điện tử cần khoảng 8,903 chỗ làm việc (chiếm 7.01%); dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế cần khoảng 8,319 chỗ làm việc (6.55%); dệt may - da giày cần khoảng 7,785 chỗ làm việc (6.13%); marketing cần khoảng 7,353 chỗ làm việc (5.79%); chế biến lương thực - thực phẩm cần khoảng 7.125 chỗ làm việc (5,61%); kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng cần khoảng 5.105 chỗ làm việc (4,02%); hành chính văn phòng cần khoảng 4.966 chỗ làm việc (3,91%); kinh doanh tài sản - bất động sản cần khoảng 4.763 chỗ làm việc (3,75%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 4.394 chỗ làm việc (3,46%); du lịch - lưu trú và ăn uống cần khoảng 4.394 chỗ làm việc (chiếm 3,46%); tài chính - tín dụng - ngân hàng cần khoảng 3.835 chỗ làm việc (chiếm 3,02%); cơ khí cần khoảng 3.124 chỗ làm việc (chiếm 2,46%); kế toán - kiểm toán cần khoảng 2.946 chỗ làm việc (chiếm 2,32%); hóa chất - nhựa - cao su cần khoảng 2.692 chỗ làm việc (chiếm 2,12%); … Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc triển khai tiêm chủng vắc xin và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết, cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn. Nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc. Xu hướng việc làm trong 6 tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại cần khoảng 30.150 chỗ làm việc (20,51%); công nghệ thông tin - điện tử cần khoảng 10.305 chỗ làm việc (chiếm 7,01%); dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế cần khoảng 9.629 chỗ làm việc (6,55%); dệt may - da giày cần khoảng 9.011 chỗ làm việc (6,13%); marketing cần khoảng 8.511 chỗ làm việc (5,79%); chế biến lương thực - thực phẩm cần khoảng 8.247 chỗ làm việc (5,61%); kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng cần khoảng 5.909 chỗ làm việc (4,02%); hành chính văn phòng cần khoảng 5.748 chỗ làm việc (3,91%); kinh doanh tài sản - bất động sản cần khoảng 5.513 chỗ làm việc (3,75%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 5.086 chỗ làm việc (3,46%); du lịch - lưu trú và ăn uống cần khoảng 5.086 chỗ làm việc (chiếm 3,46%); tài chính - tín dụng - ngân hàng cần khoảng 4.439 chỗ làm việc (chiếm 3,02%); cơ khí cần khoảng 3.616 chỗ làm việc (chiếm 2,46%); kế toán - kiểm toán cần khoảng 3.410 chỗ làm việc (chiếm 2,32%); hóa chất - nhựa - cao su cần khoảng 3.116 chỗ làm việc (chiếm 2,12%); Theo kết quả khảo sát, thống kê và phân tích dữ liệu từ mạng lưới TalentNetwork, thì quý II đã ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, số nhu cầu, số ứng viên quan tâm,… tuy nhiên nửa sau quý II, thị trường bắt đầu chững lại, tình hình tuyển dụng trở nên khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Dự báo quý III và 6 tháng cuối năm thị trường lao động phản ánh thông qua mạng lưới TalentNetwork sẽ có xu hướng giảm cả về số lượng doanh nghiệp lẫn nhu cầu, đây là thách thức lớn cho người học năm cuối các ngành đang mùa tốt nghiệp cuối năm học 2020-2021. Sự phù hợp và gần với lĩnh vực ngành nghề tuyển dụng của các ngành mà Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là sự phản ánh đúng đắn về kế hoạch chiến lược, tổ chức đào tạo theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên, lượng nhân lực dư thừa, thiếu việc làm hiện nay cũng đặt ra cho các cơ sở giáo dục nói chung và Trường nói riêng cần có sự nỗ lực để người học thực học, thực hành và tiệm cận với thực tiễn nhằm ứng tuyển thành công cũng như giữ được việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự phù hợp và gần giữa những ngành chưa đào tạo với các lĩnh vực nghề nghiệp tuyển dụng là cơ hội cho Trường nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực để mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như đảm bảo sự phù hợp năng lực đào tạo của Trường trong thời gian tới.
|
Về sự quan tâm, kết quả ghi nhận 64,545 lượt ứng viên quan tâm truy cập tìm hiểu thông tin và yêu cầu tuyển dụng, giảm 14.22% so với quý I và giảm 0.17%% so với cùng kỳ quý II năm 2020. Về số hồ sơ ứng tuyển, quý II năm 2021 ghi nhận sự giảm sâu về số hồ sơ ứng tuyển, do số doanh nghiệp tuyển giảm đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch học tập thay đổi theo chiều hướng kéo dài thời điểm tốt nghiệp. tăng trưởng lớn về hồ sơ ứng tuyển, giảm 51.72% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 58.66% so với quý trước đó, điều đó đòi hỏi công tác hỗ trợ viẹc làm của Trường cần triển khai hiệu quả hơn nữa chuyển tải thông tin việc làm đến người học và giúp họ ứng tuyển thành công. Với quy mô 375 doanh nghiệp tuyển dụng 41 lĩnh vực thì hầu hết các ngành của Trường đều phù hợp và gần với nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh có sự phù hợp/gần là cao nhất với 328 lượt doanh nghiệp có nhu cầu (chiếm 14.85% tổng quy mô). Một số ngành mới mở, dự kiến mở hoặc có sinh viên ít cũng chưa ghi nhận sự quan tâm tìm đến từ phía doanh nghiệp như du lịch, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật. Đối với một số ngành Trường chưa đào tạo, nhưng số lượt doanh nghiệp có kết nối và thông tin nhu cầu đăng tuyển cao như, thương mại điện tử, kinh doanh thương mại, Bất động sản, kinh doanh may thời trang, một số ngành luật.
|
PHẦN 4: NHẬN ĐỊNH, DỰ BÁO TÌNH HÌNH VÀ KIẾN NGHỊ VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
Nhận định và dự báo nhân lực sắp tới. Quý II-2021, chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước bằng các chính sách hiệu quả của chính phủ, nền kinh tế có những phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên “trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước” Từ ngày 27 tháng 4 năm 2021, tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh và tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tình thành phía Nam ảnh hưởng hưởng nặng nền đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh. Và thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, mặc dù thị trường vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng có sự chuyển hướng sang người lao động có kinh nghiệm, thay đổi việc làm, đây là điểm khó khăn cho người chưa có kinh nghiệm, mới tốt nghiệp tìm việc làm. Trong thời gian tới, đặc biệt trong quý III và 6 tháng cuối năm 2021, với kịch bản chính phủ kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng dịch được tăng lên thì thị trường lao động sẽ từng bước phục hồi, nhu cầu nhân lực cho sản xuất kinh doanh sẽ tăng, sẽ giúp cho người học tốt nghiệp tìm được việc làm, ngược lại, với kịch bản tình trạng dịch bệnh còn phức tạp thì thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng tồi tệ hơn do đó tìm được việc làm của người học nói chung và người học tốt nghiệp sẽ càng thêm khó khăn.
|
Từ tình hình tuyển dụng của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thích nghi mới với dịch covid-19, một số kiến nghị được gửi đến lãnh đạo Trường. Xây dựng mạng lưới kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng thông qua các phương thức linh hoạt và thuận tiện nhất để đưa thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến người học và đưa ứng viên đến ứng tuyển thành công vào doanh nghiệp kết hợp chương trình dự nguồn ứng viên hiệu quả. Khai thác cầu nối giữa cựu sinh viên, cựu học viên với Trường, với người học, qua quan sát công tác tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp, thì đây là kênh tuyển dụng hữu hiệu và đảm bảo nhất. Các khoa phụ trách đào tạo các ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đội ngũ tốt, cơ sở vật chất tốt, đào tạo lý thuyết kết hợp với đào tạo thực tiễn tại doanh nghiệp, có dự báo xu hướng tuyển dụng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đầu khóa và phân luồng chuyên ngành cho người học được hiệu quả. Có đánh giá thông tin thị trường lao động thường xuyên, dự báo thị trường, kết hợp rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo có lộ trình tiệm cận với thực tiễn nhu cầu của xã hội một cách khoa học và đảm bảo chất lượng. Cần xây dựng đơn vị chuyên trách với đội ngũ nhân sự làm công tác quan hệ doanh nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và dịch vụ hỗ trợ việc làm cho người học. Đối với người học: Phải có sự chủ động và xác định mục tiêu tốt nghiệp và có việc làm, hình thành mạng lưới mối quan hệ, tìm hiểu sâu về các lĩnh vực ngành tuyển dụng sát/gần với ngành học, có sự tham khảo thông tin nhu cầu, mô tả công việc, yêu cầu đầu vào tuyển dụng và tăng cường khả năng thích nghi với thực tiễn nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng, xây dựng tinh thần phấn đấu, nỗ lực trong học tập và công việc./.
|
NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO. Báo cáo, dữ liệu: Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí “tình hình lao động việc làm quý II năm 2021”, ngày 06 tháng 7 năm 2021. Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo Thị trường lao động 6 tháng đầu năm - Dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 7 năm 2021. Mạng lưới Talent Network. Dữ liệu tuyển dụng, quý II-2021 Cổng thông tin việc làm, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Dữ liệu tuyển dụng, quý II-2021 Trung tâm HN-TVVL, Bản tin thị trường lao động và tình hình tuyển dụng quý I-2021, ngày 24 tháng 5 năm 2021. Văn bản quy phạm pháp luật: Bộ giáo dục và đào tạo, Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT Ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, ngày 10 tháng 10 năm 2017 Các website: https://www.gso.gov.vn https://talentnetwork.vn http://vieclam.ou.edu.vn http://tuyensinh.ou.edu.vn https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/ http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/8517.bao-cao-thi-truong-lao-dong-6-thang-dau-nam-du-bao-nhu-cau-nhan-luc-6-thang-cuoi-nam-2021-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html/ https://kinhtevadubao.vn/6-thang-dau-nam-2021-ty-le-that-nghiep-va-thieu-viec-lam-giam-so-voi-cung-ky-18114.html http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50497&idcm=188 http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-hon-2-trieu-lao-dong-that-nghiep-va-thieu-viec-lam-do-covid19-74cbe613.aspx |
- Bản tin thị trường lao động và tình hình tuyển dụng quý I - năm 2021 (10/08)
- Tháng cao điểm thông tin tuyển dụng trực tuyến -Tháng 8 năm 2021. (02/08)
- CHƯƠNG TRÌNH QUẢN TRỊ VIÊN TIỀM NĂNG - KHỞI NGHIỆP BÁCH HÓA XANH MÙA 2 (16/07)
- Lazada Logistics Youth Careers 2021 (09/06)
- Chương trình Career check-in: Khám Phá doanh nghiệp" số 1-2021 (31/05)
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.