TOP 5 LÝ DO LÀM CHO KỲ THỰC TẬP TRỞ THÀNH “NỖI ÁM ẢNH”
Kỳ thực tập (internship) là giai đoạn mà sinh viên năm cuối tham gia vào môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp để tích lũy các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai. Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp sinh viên tự đánh giá lại năng lực làm việc và khả năng thích nghi với công việc chuyên môn, tuy nhiên, kỳ thực tập có thể trở thành "nỗi ám ảnh" nếu sinh viên không có sự chuẩn bị trước. Sau đây là 5 lý do khiến kỳ thực tập trở thành "nỗi ám ảnh" của nhiều thế hệ sinh viên:
1. Chưa hiểu ý nghĩa của kỳ thực tập
Kỳ thực tập là một học phần trong chương trình đào tạo mà sinh viên cần phải hoàn thành để đủ điều kiện tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn mang tâm thế "làm cho qua môn" để đi thực tập tại doanh nghiệp thì điều này sẽ dẫn bạn đến nhiều khó khăn hơn. Vì thế, sinh viên cần:
-
Hiểu rõ vai trò & ý nghĩa của kỳ thực tập.
-
Xác định rõ định hướng công việc mong muốn thực tập.
-
Lên kế hoạch cụ thể về kỳ thực tập.
2. Sự bị động
Sinh viên thường không chủ động tìm kiếm Doanh nghiệp để thực tập từ sớm mà thường chờ gần sát tới ngày diễn ra kỳ thực tập rồi mới bắt đầu đi tìm. Do vậy, với thời gian ngắn ngủi, sinh viên khó lựa chọn được nơi có môi trường làm việc như mong đợi, từ đó dễ chán nản. Vì thế, sinh viên cần:
-
Cập nhật và theo dõi thường xuyên các thông báo về thời gian & quy định về kỳ thực tập trên website của Khoa
-
Tự chọn cho mình “một chuyên gia” để có thể giải đáp & giúp đỡ trong việc tìm kiếm Doanh nghiệp: vieclam.ou.edu.vn
-
Chủ động xây dựng mạng lưới quan hệ khi còn là sinh viên năm 1, 2, 3… với các anh (chị) và thầy (cô) trong ngành.
3. Tâm lý coi nhẹ
Đa số kỳ thực tập sẽ diễn ra ngay sau khi thi học kỳ cuối cùng của năm 3 nên sinh viên thường có tâm lý cho phép mình “nghỉ ngơi” sau khoảng thời gian học hành và ôn thi vất vả. Chình vì tâm lý này, sinh viên trở nên thiếu đi sự nghiêm túc trong công việc và có những hành vi không tốt như đi muộn về sớm, làm việc qua loa,... Điều này không những để lại ấn tượng xấu với Doanh nghiệp mà còn khiến sinh viên đánh mất cơ hội trải nghiệm, rèn giũa và áp dụng những kiến thức đã học vào môi trường thực tiễn. Vì thế, sinh viên cần:
-
Tập trung tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các nội quy, quy định, yêu cầu của cơ sở thực tập.
-
Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sẵn sàng tiếp thu các đánh giá góp ý từ người hướng dẫn.
-
Có trách nhiệm và chủ động trong công việc.
-
Thái độ nghiêm túc và hành vi chuẩn mực.
4. Ngại đặt câu hỏi
Một việc thường thấy khi thực tập lẫn trong học tập là các bạn thường lúng túng và lo sợ khi đặt câu hỏi cho người hướng dẫn trực tiếp hay bất kì ai về một thắc mắc nào đó. Vì thế mà sinh viên thường tự mình giải quyết bằng những kiến thức và kỹ năng còn “non yếu” của bản thân. Vấn đề nếu được giải quyết tốt sẽ không có gì phải nói nhưng nếu ngược lại thì sẽ là một rắc rối lớn. Vì thế, sinh viên cần:
-
Xem môi trường thực tập cũng là môi trường để học hỏi và phát triển.
-
Tự học và tự nghiên cứu trước khi đặt câu hỏi để “tránh những câu hỏi dư thừa”.
-
Đặt câu hỏi đúng nơi, đúng lúc.
-
Hỏi xin ý kiến của người quản lý trước khi đưa ra quyết định công việc.
5. Kiêu ngạo vì GPA "cao"
Sinh viên thường nghĩ khi sở hữu GPA “cao” thì sẽ được nhà tuyển dụng dành nhiều sự ưu ái, điều này chỉ đúng một phần. Thực tế khi làm việc tại doanh nghiệp, các nhà quản lý sẽ chú trọng hơn vào thái độ làm việc, và kết quả công việc đầu ra. Việc tự tin thái quá và tự kiêu bởi điểm số sẽ khiến bạn ít chấp nhận góp ý và không muốn học hỏi từ người khác. Điều này thậm chí có thể để lại ấn tượng tiêu cực với đồng nghiệp và sếp, gây ảnh hưởng đến đánh giá và cơ hội nghề nghiệp sau này.Vì thế sinh viên cần:
-
Xem việc có GPA “cao” chỉ là một lợi thế đầu vào.
-
Có thái độ cầu tiến và ham học hỏi.
-
Khiêm tốn và sẵn sàng trước mọi công việc được giao.
Kết lại: Kỳ thực tập có thể trở thành một trải nghiệm quý giá giúp sinh viên phát triển toàn diện, cả về kiến thức lẫn kỹ năng mềm. Tuy nhiên, để tránh biến kỳ thực tập thành “nỗi ám ảnh”, sinh viên cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, thái độ nghiêm túc, và sự chủ động trong mọi tình huống. Hãy xem đây là cơ hội để thử thách bản thân và rèn luyện những phẩm chất cần thiết cho hành trình sự nghiệp sau này.
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.