Hội thảo quốc tế "Corporate Social Responsibility (CSR) & Sustainable Business Development (SBD)"
Trường Đại học Mở TP.HCM được thành lập vào năm 1990 và chuyển thành trường đại học công lập từ năm 2006. Năm 2015 Trường được công nhận là Trường công lập tự chủ hoàn toàn. Hiện tại, Trường Đại học Mở TP.HCM là trường đại học đa ngành trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chức năng đào tạo bậc đại học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), với các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy (vừa làm vừa học, đào tạo từ xa).
Năm 2015 là năm đánh dấu 25 năm trưởng thành và phát triển không ngừng của Trường Đại học Mở TP.HCM, Nhà trường cam kết thực hiện sứ mạng của mình là góp phần thúc đẩy xã hội học tập thông qua truyền tải tri thức bằng các phương thức linh hoạt và thuận tiện nhất cho người học. Các giá trị cốt lõi Nhà trường tập trung vào là mở rộng tri thức, gắn kết thực tiễn, không ngừng học hỏi, phục vụ cộng đồng, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sáng tạo và thân thiện. Các giá trị này đã định hình mọi hoạt động dạy và học của Nhà trường
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, năm 2015 cũng là cột móc quan trọng khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình hội nhập đem đến cơ hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để thích ứng với môi trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) và phát triển bền vững (PTBV) là các nhân tố cơ bản giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời tăng cường năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Thấu hiểu điều này, ĐHM TP. HCM cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), một đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật và thương mại cho nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khởi xướng hội thảo quốc tế về TNXHDN và PTBV nhằm tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu và người triển khai thảo luận và trao đổi các vấn đề liên quan đến thực hành trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau.
Hội thảo này còn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ học thuật của các tổ chức và Trường đại học trên thế giới, bao gồm: Global Compact Network Viet Nam, Saxion University (Hà Lan), Berlin School of Economics and Law (Đức), University of Rouen (Pháp), Solvay Brussels School of Economics and Management (Bỉ) và University of International Studies of Rome – UNINT (Ý). Ngoài ra, sự kiện này hân hạnh được sự tài trợ truyền thông của Hội nhà báo TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP.HCM.
Mặc dù đây là chủ đề khá mới ở Việt Nam nhưng hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước, là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như các nhà quản lý, những người làm công tác chuyên môn tại các doanh nghiệp đã đăng ký tham dự Hội thảo. Với gần 100 bài viết tham gia Hội thảo, Hội đồng phản biện gồm 27 chuyên gia trong lĩnh vực này đã chọn ra 36 bài được trình bày trong buổi hội thảo hôm nay. Các nghiên cứu đã phản ánh cách tiếp cận toàn diện tới vấn đề TNXHDN và PTBV khi đề cập tới các chủ đề đa dạng như môi trường, người tiêu dùng, marketing, quản trị nguồn nhân lực, tăng trưởng xanh, chuỗi cung ứng bền vững, v.v. Đây cũng là thông điệp về cách hiểu TNXHDN và PTBV mà Ban tổ chức hội thảo mong muốn truyền tải tới cộng đồng.
Nguồn: http://ou.edu.vn/htqlkh/Pages/11130-1723.aspx