TÔI BỐI RỐI VÌ XIN NGHỈ VIỆC NHƯNG SẾP KHÔNG CHẤP NHẬN
Xin việc là cả quá trình chuẩn bị và tìm cách chinh phục nhà tuyển dụng, nghỉ việc cũng gian nan không kém. Đặc biệt, vị trí của bạn ở doanh nghiệp quan trọng hoặc thiếu nhân lực, lựa chọn rời đi của bạn càng không dễ dàng được phê duyệt. Đứng trước tình huống này, bạn phải xử lý sao cho hợp lý?
Xin nghỉ việc không đơn giản như tôi nghĩ
Đầu năm luôn là khoảng thời gian biến động nhân sự nhiều nhất. Bởi mọi người đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội mới và nhiều doanh nghiệp cần bổ sung nhân sự trong giai đoạn này. Tôi đang đảm nhiệm vị trí nhân sự công ty nên càng không bỏ qua cơ hội nhảy việc này. Nhưng cảm giác luôn có lỗi khi chọn cách rời đi khi công ty đang cần người. Tuy nhiên, tôi hiểu rõ, không ai có thể chịu trách nhiệm tương lai của tôi ngoài bản thân tôi cả. Nên tôi vẫn kiên quyết với dự định ban đầu của mình.
Chính trong tình cảnh này, tôi đã khó xử khi đứng giữa công ty và dự định tương lai khó lưỡng toàn. Bởi sau 3 năm gắng đó, dường như môi trường này đã trở thành ngôi nhà thứ hai in sâu vào trái tim mình. Từ con người đến đồ vật vô tri vô giác đều trở nên thân thuộc đến vô cùng. Nói thật, tôi có chút lưỡng lự và tiếc nuối khi quyết định rời xa nơi này. Nhưng tôi biết tương lai mới là thứ mình đang hướng tới. Khi nơi này không thể cho tôi cơ hội phát triển sự nghiệp như mong muốn, rõ ràng rời đi là quyết định tốt nhất cho tôi.
Tuy nhiên, nghỉ việc lại không đơn giản là nộp đơn và chờ ngày rời đi. Bởi tôi phải dự tính trước hướng đi cho mình, tìm thời gian thích hợp để thông báo nghỉ việc và lên kế hoạch nghỉ việc thật chuyên nghiệp. Bởi rời đi trong hòa bình là một nghệ thuật, nó là cả quá trình chuẩn bị và tìm cách thuyết phục khéo léo để sếp chấp thuận quyết định của mình.
Khó xử vì sếp tìm cách thuyết phục ở lại
Như bạn biết, quyết định nghỉ việc được duyệt phải thông qua cấp trên của mình. Tôi đã gặp rắc rối ở bước này vì sếp tìm cách thuyết phục ở lại. Không dọa nạt, cũng không ra lệnh. Sếp chỉ đơn giản ngồi trò chuyện và tìm hiểu nguyên nhân nghỉ việc. Tôi cũng không ngần ngại trao đổi định hướng phát triển của mình, con đường tôi vẽ ra là thứ mà công ty không thể cung cấp được như dự định của tôi. Chính vì thế, tôi lựa chọn rời đi.
Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như tôi nghĩ, sếp đưa ra điều kiện hấp dẫn như tăng lương, sắp xếp lại công việc. Quan trọng hơn, đây là giai đoạn công ty đang cần người và tôi đã quen việc nên sẽ không mất nhiều thời gian để xử lý chúng. Tôi biết khó khăn công ty đang đối mặt và điều này làm tôi khó xử.
Bằng tất cả quyết tâm, tôi vẫn kiên quyết với lựa chọn rời đi của mình. Tôi biết, sếp có thể sẽ khó chịu và tôi có thể phải đối mặt với khó khăn trong thời gian chuẩn bị nghỉ việc. Nhưng trên hết, tôi tin chỉ cần mình bàn giao đúng quy trình trước khi nghỉ việc, không điều gì có thể làm khó được mình.
Lên kế hoạch trước cho quá trình nghỉ việc
Sở dĩ tôi tự tin khi nộp đơn nghỉ việc vì tôi đã chuẩn bị trước mọi thứ cho mình. Trước tiên, tôi đã lên kế hoạch tài chính và dành ra một khoảng tiền gọi là chi phí tìm việc. Bởi tôi biết quá trình tìm môi trường mới không phải chuyện ngày một, ngày hai. Bản thân phải chuẩn bị kinh phí trước để không gặp phải khó khăn trong quá trình tìm việc.
Thứ hai, tôi đã mua thêm khóa học online và tranh thủ thời gian rảnh trau dồi thêm kỹ năng của mình. Ngoài ra, tôi tự học thêm ngoại ngữ để tăng sức cạnh tranh khi tìm việc. Bước chuẩn bị này sẽ giúp tôi tự tin và thu hút nhiều nhà tuyển dụng hơn.
Thứ ba, tôi đã chuẩn bị trước tinh thần có thể sẽ không được phê duyệt đơn nghỉ việc dễ dàng. Bởi tôi đang nắm giữ vị trí nhân sự và không có người làm cùng bộ phận hay ai đó có thể thay thế mình. Điều này đồng nghĩa, muốn nghỉ việc, tôi phải tuyển dụng và đào tạo người mới lắp vào khoảng trống của mình. Nhất là lựa chọn nghỉ việc đầu năm, công ty sẽ gặp biến động nhân sự lớn khi các bộ phận đều có người nộp đơn xin nghỉ. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm và không dễ dàng để thay đổi nó. Mặt khác, tôi đã nộp đơn xin nghỉ đúng quy trình. Đủ thời gian 30 ngày quy định sau khi nộp đơn, tôi có thể chấm dứt công việc. Điều quan trọng bây giờ, tôi chỉ cần cố gắng giải quyết tốt việc của mình và tìm người kế thừa vị trí là đủ. Điều này sẽ giúp tôi phần nào bớt “ngại” và không còn vướng mắc khi rời đi.
Tôi tin với sự bày tỏ chân thành và nhiệt huyết làm tốt việc đến phút cuối cùng của mình rồi sếp sẽ hiểu. Dù sao tôi cũng phải ưu tiên cho tương lai của mình phải không nào?
Nghỉ việc có thể là quyết định dễ dàng nhưng là quá trình khó nhằn để xử lý tốt chúng. Bởi nhiều người rời đi nhưng vẫn để lại hình ảnh tốt trong mắt nhiều đồng nghiệp cũ nhưng cũng không ít người bị cạch mặt ngay từ lúc thông báo nghỉ việc. Sự khác biệt này vốn xuất phát từ thái độ nghỉ việc của mọi người. Vì thế, dù quyết định rời đi nhưng đừng quên giữ vững hình ảnh chuyên nghiệp của mình đến phút cuối cùng nhé.
Thông qua trải nghiệm nghỉ việc của mình, tôi hy vọng không chỉ đem đến câu chuyện mà còn giúp nhiều người rút kinh nghiệm cho mình để nghỉ việc thuận lợi hơn. Chỉ cần bạn xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và làm đúng quy trình nghỉ việc, không gì có thể ngăn bước chúng ta. Chúc các bạn thành công và sớm tìm được công việc mới phù hợp với mình nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
- 3 THÁNG THẤT NGHIỆP: “TÔI RẢI CV KHẮP NƠI, TUYỆT VỌNG TRÔNG CHỜ CUỘC GỌI” (18/02)
- NGÂN HÀNG TMCP PHÁT TRIỂN TP. HCM (HDBANK) - TUYỂN DỤNG (20/01)
- [THÔNG BÁO] TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH GẶP GỠ DOANH NGHIỆP WEBINAR CÙNG MISA: “HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA - KỸ NĂNG PHỎNG VẤN THÀNH CÔNG” (13/01)
- CÓ NÊN "CHÉM GIÓ" TRONG CV ỨNG TUYỂN? (30/12)
- BỎ TÚI NGAY 4 CHỮ "ĐỪNG" TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH NHẢY VIỆC (10/12)
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.