TOP CÂU NÓI KHIẾN BẠN TRƯỢT PHỎNG VẤN TỨC THÌ
Kỳ thực tập đang đến gần và tìm kiếm cơ hội thực tập đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các bạn sinh viên. Sau khi vượt qua vòng loại hồ sơ, bạn sẽ bước vào buổi phỏng vấn – một cơ hội quý giá để thể hiện năng lực và ghi dấu ấn với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ mắc phải những sai lầm không đáng có chỉ vì những lời nói vô tình.
Hãy cùng khám phá những câu nói có thể khiến bạn bị loại ngay lập tức, và học cách ứng phó khôn ngoan để chinh phục buổi phỏng vấn thành công!
"Em có thể làm bất cứ việc gì mà công ty yêu cầu"
Đây có vẻ như là một câu trả lời đầy cam kết, nhưng thực chất lại mang tính thiếu chuyên nghiệp và mơ hồ. Khi bạn nói như vậy, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy rằng bạn không có định hướng cụ thể và thiếu sự hiểu biết về vị trí ứng tuyển.
NÊN: Nghiên cứu kỹ về vị trí công việc và xác định những kỹ năng, kinh nghiệm bạn có thể đóng góp. Đồng thời thể hiện cả thái độ cầu tiến đối với công việc. Một câu trả lời tốt hơn có thể là: "Em rất quan tâm đến vị trí này vì nó phù hợp với kỹ năng ABC mà em đã học tại abc và em biết rằng có thể lĩnh vực này sẽ đòi hỏi một số kiến thức chuyên môn mà em chưa từng biết, nhưng em sẽ không ngại trau dồi thêm kiến thức và vượt qua khó khăn này để đóng góp hiệu quả vào các dự án của công ty XYZ”.
"Em không có điểm yếu nào cả"
Thật khó tin khi một ứng viên tuyên bố không có điểm yếu nào và điều này có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không trung thực hoặc thiếu khả năng tự nhận thức. Mọi người đều có điểm yếu và điều quan trọng là cách bạn nhận diện và cải thiện chúng.
NÊN: Thay vì phủ nhận hoàn toàn điểm yếu, hãy thành thật chia sẻ một điểm yếu không ảnh hưởng lớn đến công việc và quan trọng hơn, hãy nhấn mạnh cách bạn đang cải thiện nó. Ví dụ: "Mặc dù em đã được học và tiếp cận nhiều lý thuyết cũng như case study doanh nghiệp trong môi trường giáo dục, em nhận thấy mình vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm thực tế. Do đó, em rất mong có cơ hội thực tập tại công ty để được trực tiếp trải nghiệm và học hỏi những kiến thức mới. Em tin rằng, qua quá trình này, em sẽ có thể đóng góp hết mình vào sự phát triển của công ty”.
"Em không biết về công ty mình lắm"
Không gì tệ hơn khi bạn bước vào buổi phỏng vấn mà không biết gì về công ty mà mình đang ứng tuyển. Điều này không chỉ thể hiện sự thiếu chuẩn bị mà còn cho thấy bạn không thật sự quan tâm đến công ty.
NÊN: Trước buổi phỏng vấn, hãy tìm hiểu kỹ về công ty qua website chính thức, các bài viết, mạng xã hội và tốt nhất là có thêm thông tin từ chính nhân viên đã/đang làm việc tại công ty ấy. Việc hiểu rõ về tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của công ty sẽ giúp bạn thể hiện sự quan tâm thực sự và tạo ấn tượng tốt.
"Em chỉ cần một công việc ổn định"
Mặc dù mong muốn có một công việc ổn định là điều dễ hiểu, nhưng khi bạn nói như vậy, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn thiếu tham vọng và không muốn phát triển bản thân.
NÊN: Hãy nói về những gì bạn mong muốn học hỏi và phát triển trong công việc, đồng thời thể hiện rằng bạn sẵn sàng cống hiến lâu dài cho công ty. Ví dụ: "Em mong muốn được học hỏi và phát triển các kỹ năng trong lĩnh vực XYZ và đóng góp vào sự phát triển bền vững của công ty."
"Em chỉ cần một công việc tạm thời"
Nếu bạn nói rằng mình chỉ muốn tìm một công việc tạm thời, nhà tuyển dụng sẽ không muốn đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc đào tạo bạn. Họ cần những ứng viên có cam kết lâu dài với công ty.
NÊN: Thay vì nói về ý định tạm thời, hãy thể hiện rằng bạn có sự quan tâm lâu dài đến công việc và muốn phát triển sự nghiệp tại công ty. Ví dụ: "Em rất mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty và hy vọng có thể phát triển sự nghiệp tại đây."
"Em không có câu hỏi nào cả"
Khi được hỏi "Bạn có câu hỏi nào không?", việc không có câu hỏi nào để hỏi lại có thể bị coi là thiếu quan tâm hoặc không chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhà tuyển dụng mong đợi bạn sẽ đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về công ty hoặc vị trí.
NÊN: Chuẩn bị trước một vài câu hỏi về văn hóa công ty, định hướng phát triển, tiêu chí để trở thành nhân viên chính thức hoặc chi tiết về công việc. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về công ty mà còn thể hiện sự quan tâm nghiêm túc của bạn.
"Em không thích làm việc nhóm"
Trong hầu hết các công ty, làm việc nhóm là một phần không thể thiếu. Khi bạn nói rằng bạn không thích làm việc nhóm có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ khả năng hợp tác và tương tác của bạn với đồng nghiệp.
NÊN: Ngay cả khi bạn là người làm việc độc lập tốt, hãy nhấn mạnh rằng bạn vẫn có thể hòa nhập và làm việc hiệu quả trong nhóm. Bạn có thể nói: "Em thường làm việc độc lập tốt, nhưng em cũng rất linh hoạt và có thể làm việc nhóm khi cần thiết."
Kết luận:
Phỏng vấn xin việc là cơ hội để bạn thể hiện bản thân và giành lấy vị trí mong muốn. Đừng để những câu nói tưởng chừng như vô hại này làm bạn mất đi cơ hội quý báu. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào phỏng vấn, nắm vững những gì bạn sẽ nói và làm sao để tạo ấn tượng tốt nhất. Chúc bạn thành công và sớm đạt được vị trí mơ ước!
Nguồn: Tạp chí tri thức
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.