Lập kế hoạch tìm việc thành công - Bài 1: Đánh giá bản thân
Tốt nghiệp ra trường, nhiều bạn cầm trên tay tấm bằng giỏi của những trường đại học uy tín. Thế nên các bạn sinh viên tự tin cho mình cái quyền được yêu cầu cao với những doanh nghiệp khi đến xin việc. Kết quả là nơi nào cũng lắc đầu từ chối.
Sau những lần ấy, các bạn tiếp tục nộp đơn xin việc. Nhưng khi được nhà tuyển dụng yêu cầu chia sẻ những ước mơ, những điều có thể làm được… thì các bạn lại thiếu tự tin. Chỉ dám e dè “em sợ mình không thể làm”. Thế là tiếp tục phải trải qua chuỗi thời gian thất nghiệp.
Có lẽ hai chuyện này khá phổ biến đối với những người trẻ hiện nay. Họ gặp phải lỗi lớn trong việc đánh giá bản thân. Có người vì quá tự tin, đề cao khả năng quá mức, vô tình gây ra rất nhiều sự ngộ nhận từ chính năng lực của bản thân. Ngược lại có người thiếu tự tin. Dẫu biết chắc rằng bản thân có thể làm được nhưng không dám làm, không dám thử. Để rồi khi những cơ hội vuột khỏi tầm tay mới hối tiếc, mới giá như, ước gì.
Vậy nên tự mỗi người, đặc biệt là người trẻ, cần biết cách đánh giá năng lực bản thân một cách chính xác nhất. Bởi điều này giúp định hướng nghề nghiệp tốt, giúp nhận biết rõ hơn về quan điểm, sở thích, tính cách và những thế mạnh tiềm tàng của bản thân cũng như hiểu hơn về năng lực, trình độ, sở trường, thậm chí cả điểm yếu. Từ đó sẽ biết phù hợp với những công việc nào.
Ngoài ra, tự đánh giá bản thân không những giúp tìm được một công việc thật sự phù hợp mà còn giúp duy trì được công việc đó dài lâu.
Đây là bước đầu tiên trong quá trình phát triển sự nghiệp của các bạn. Ở bước này, bạn cần tự đánh giá bản thân, tìm kiếm những thông tin có giá trị cho sự nghiệp và chuẩn bị các kiến thức cần thiết cho việc tự giới thiệu bản thân sao cho hiệu quả và thành công.
Bạn nên xác định mục tiêu của mình bằng cách lập danh sách chi tiết, liệt kê các định hướng, cân nhắc đến các mối quan tâm cụ thể đối với công việc của mình, và với kinh nghiệm, khả năng hiện tại thì bạn có thể làm được công việc gì? Từ đó bạn bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình. Để xác định mục tiêu và kỳ vọng nghề nghiệp của mình, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Những loại công việc nào hấp dẫn bạn? và những loại công việc nào không hấp dẫn bạn?
- Trong các đợt thực tập, tìm hiểu thực tế đã tham dự trước đây, công việc hay hoạt động nào bạn thích nhất? Điều này có gợi ra một sự lựa chọn nghề nghiệp nào không?
- Bạn ngưỡng mộ hay muốn được thành công giống ai?
- Gia đình, bạn bè và những người thân khác đánh giá bạn phù hợp với nghề nào? Họ có nhìn nhận ra sao về triển vọng thành công của bạn trong nghề nghiệp?
- Ước mơ và đam mê nghề nghiệp của bạn là gì?
- Theo bạn, bạn cần làm gì để theo đuổi đam mê nghề nghiệp của mình?
Nhìn vào câu trả lời cho các câu hỏi trên và tìm ra chủ đề nào lặp đi lặp lại. Ví dụ, trong đợt thực tập trước đây, bạn rất thích thú khi nói chuyện kinh doanh với giám đốc của công ty; các bài viết, phóng sự về khởi sự kinh doanh vá cách thành công trong kinh doanh cũng thường thu hút sự chú ý của bạn; người thân thì đánh giá bạn có đầu óc nhanh nhạy, rất có năng khiếu kinh doanh; bạn cũng thường có ước mơ sẽ trở thành Bill Gates của Việt Nam…Tất cả những dữ liệu trên cho thấy bạn thích làm trong lĩnh vực kinh doanh và mục tiêu của bạn là trở thành một giám đốc thành đạt.
Nếu bạn không hiểu rõ về những điểm mạnh và mục tiêu của bản thân mình, bạn hãy mạnh dạng thảo luận với người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tư vấn nghề nghiệp.
Hãy tự xác định bản thân bằng bài trắc nghiệm tại đây
Tham khảo từ bài viết “6 ngộ nhận về năng lực và sự nghiệp” – http://www.uef.edu.vn/qhdn/hanh-trang-nghe-nghiep/
×Tham khảo từ bài viết “bí quyết tìm việc thành công” – http://www.jobstreet.vn/
- Lập kế hoạch tìm việc thành công - Bài 5: Những lời khuyên giá trị cho người đang tìm việc (01/02)
- Lập kế hoạch tìm việc thành công - Bài 4: Ra quyết định và thực hiện kế hoạch (01/02)
- Lập kế hoạch tìm việc thành công - Bài 3: Phát triển kỹ năng tìm việc (01/02)
- Lập kế hoạch tìm việc thành công - Bài 2: Nghiên cứu thị trường lao động (01/02)
- Kỹ năng viết CV để ứng tuyển thành công - bài 4: Nội dung của CV như thế nào? (26/01)
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.