BẠN ĐÃ HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CỦA TRƯỞNG NHÓM HAY CHƯA?
Khi mới bước chân vào môi trường đại học, việc làm trưởng nhóm trong các dự án hay bài tập nhóm có thể khiến nhiều bạn tân sinh viên cảm thấy lo lắng. Một số bạn nghĩ rằng trưởng nhóm chỉ đơn giản là người ra quyết định và phân công công việc cho các thành viên trong nhóm, trong khi đó cũng có những bạn lo ngại rằng vai trò này sẽ mang đến áp lực và trách nhiệm nặng nề. Đặc biệt, nhiều bạn sợ rằng việc làm trưởng nhóm dễ dẫn đến xung đột, mất lòng các thành viên khác. Liệu những suy nghĩ này có đúng không? Hãy cùng tìm hiểu để hiểu rõ hơn về vai trò thực sự của một trưởng nhóm trong môi trường đại học nhé!
Trưởng nhóm chỉ cần ra quyết định và phân công công việc
Đây là lầm tưởng phổ biến nhất. Điều này chỉ là một phần nhỏ trong vai trò của một trưởng nhóm. Thực tế, trưởng nhóm không phải là người duy nhất “lên tiếng” hay chỉ đạo mọi thứ. Mà là người có khả năng lắng nghe và tổng hợp các ý kiến của thành viên trong nhóm để đưa ra quyết định cuối cùng. Đồng thời, trưởng nhóm cũng phải biết cách phân chia công việc phù hợp để các thành viên trong nhóm phát huy được điểm mạnh năng lực của bản thân.
Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn đang dẫn dắt một nhóm làm bài thuyết trình. Một thành viên có tư duy thẩm mỹ và giỏi thiết kế canva sẽ phù hợp với việc làm slide, trong khi một bạn có khả năng nói trước đám đông sẽ đảm nhiệm việc thuyết trình. Trưởng nhóm chính là người nhận diện thế mạnh của từng người và tạo điều kiện để họ phát huy tốt nhất.
Làm trưởng nhóm sẽ chịu nhiều áp lực và trách nhiệm nặng nề
Một số tân sinh viên cho rằng làm trưởng nhóm đồng nghĩa với việc phải “đứng mũi chịu sào” nếu có sai sót, chính trưởng nhóm sẽ phải chịu trách nhiệm. Điều này có thể khiến nhiều bạn e ngại và né tránh vai trò này.
Nên nhớ rằng vai trò của trưởng nhóm là điều phối, giúp nhóm phối hợp hiệu quả và đảm bảo rằng mọi người đều đóng góp vào thành công chung. Nếu có sai sót xảy ra, trưởng nhóm có trách nhiệm khuyến khích các thành viên cùng tìm giải pháp thay vì gánh chịu trách nhiệm một mình.
Ví dụ: Nếu nhóm sắp bị trễ hạn nộp bài vì một thành viên chưa hoàn thành phần việc của mình, thay vì phải gánh trách nhiệm thay cho người đó, trưởng nhóm sẽ đóng vai trò kết nối để cả nhóm cùng tìm cách giải quyết nội dung chưa hoàn thành trước thời hạn.
Làm trưởng nhóm dễ dẫn đến mất lòng các thành viên trong nhóm
Nỗi lo này thường xuất phát từ việc nhiều tân sinh viên nghĩ rằng khi làm trưởng nhóm, họ sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn hoặc phê bình chính các bạn bè của mình, dễ dẫn đến xung đột hoặc mất lòng các thành viên khác. Trong môi trường đại học, nơi mà các mối quan hệ bạn bè mới hình thành, lo ngại này càng trở nên rõ rệt.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng vai trò của trưởng nhóm không phải là để chỉ trích hay áp đặt, mà là để tạo ra một không gian làm việc cởi mở và gắn kết. Trưởng nhóm cần biết cách giao tiếp khéo léo và xử lý tình huống một cách linh hoạt để giữ được tinh thần đồng đội và sự tôn trọng lẫn nhau.
Vậy vai trò thực sự của trưởng nhóm trong môi trường đại học là gì?
Trưởng nhóm cần đảm bảo rằng tất cả các thành viên hiểu rõ mục tiêu chung và hướng đi của nhóm. Đồng thời, họ cũng là người tổng hợp và kết nối các ý tưởng, giúp nhóm tiến tới kết quả tốt nhất. Bạn không phải làm mọi thứ một mình, mà là người dẫn dắt cả nhóm cùng nhau đóng góp.
Một trưởng nhóm giỏi là người biết lắng nghe ý kiến của từng thành viên và khuyến khích mọi người cùng tham gia xây dựng ý kiến. Điều này không chỉ giúp nhóm đạt kết quả tốt hơn mà cũng khiến các thành viên cảm thấy thoải mái và được tôn trọng
Trưởng nhóm không chỉ cần biết quản lý thời gian mà còn phải đảm bảo rằng thành viên trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn và công việc tiến triển theo kế hoạch. Điều này đòi hỏi trưởng nhóm phải theo dõi tiến độ một cách sát sao, nhận biết những khó khăn hoặc vấn đề mà các thành viên đang gặp phải. Nếu phát hiện một thành viên chưa hoàn thành công việc như đã phân công, thay vì chỉ trích hay trách cứ, trưởng nhóm cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ giải quyết vấn đề. Đôi khi, thành viên đó có thể gặp khó khăn mà không dám nói ra hoặc không biết cách giải quyết. Đây là lúc trưởng nhóm nên chủ động giúp đỡ, động viên và tìm cách cùng nhau vượt qua trở ngại.
Tuy nhiên, trong trường hợp thành viên cố tình không hoàn thành nhiệm vụ dù đã được nhắc nhở, lúc này trưởng nhóm cần có hành động quyết liệt hơn. Bạn có thể báo cáo lại cho giảng viên là điều cần thiết để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả của nhóm.
Kết lại
Làm trưởng nhóm trong môi trường đại học không phải là gánh nặng hay trách nhiệm mà bạn cần né tránh. Đây là một cơ hội để bạn rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian, giao tiếp và làm việc nhóm. Trưởng nhóm không chỉ là người đưa ra quyết định mà còn là người định hướng, kết nối và tạo động lực cho cả nhóm. Đừng sợ áp lực hay trách nhiệm, vì nếu bạn hiểu rõ vai trò của mình, bạn sẽ thấy làm trưởng nhóm là một bước tiến quan trọng giúp bạn phát triển toàn diện hơn trong học tập cũng như cuộc sống.
Nguồn: Tổng hợp.
Tin khác
[Trở về]
- Top công cụ tin học cơ bản sinh viên cần biết để học tập và làm việc hiệu quả (23/10)
- ĐIỂM RÈN LUYỆN - QUAN TRỌNG HAY KHÔNG? (17/10)
- 4 MẪU EMAIL TRẢ LỜI THƯ ĐỒNG Ý NHẬN VIỆC - BẠN ĐÃ BIẾT CÁCH VIẾT CHUYÊN NGHIỆP? (17/10)
- ĐẠO VĂN LÀ GÌ? 5 PHẦN MỀM CHECK ĐẠO VĂN PHỔ BIẾN (14/10)
- TÂN SINH VIÊN CẦN LƯU Ý GÌ VỀ CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀ XẾP LOẠI HỌC LỰC Ở BẬC ĐẠI HỌC? (10/10)
Tìm việc làm
Kết nối với trường ĐH Mở TPHCM
Thăm dò ý kiến
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.