Tìm ra nghề phù hợp không phải nhờ may mắn – mà nhờ thử sai có chiến lược
Đối với sinh viên đại học, chúng ta đang trải qua giai đoạn “nhạy cảm” khi bị quá tải bởi nhiều áp lực xung quanh như gia đình, bạn bè, công việc làm thêm, học tập,... khiến chính bản thân mình rơi vào trạng thái khủng hoảng nhận dạng và phải luôn đặt câu hỏi “Mình là ai? Và mình sẽ làm gì khi tốt nghiệp?”. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng khiến hàng ngàn sinh viên mất ngủ mỗi đêm. Không ai muốn đi nhầm đường, nhưng nếu chỉ ngồi đó đợi "cảm hứng nghề nghiệp" rơi xuống đầu như định mệnh... thì e là hơi lâu.
Thử sai có chiến lược là sao?
Khác với việc chọn bừa, thử sai có chiến lược là cách chủ động lên kế hoạch cho từng trải nghiệm nghề nghiệp nhỏ như thể đang tự thiết kế một “bản đồ nghề nghiệp” của riêng mình.
Mỗi bước thử đều có mục đích rõ ràng:
- Hiểu rõ bản thân hơn để biết mình thích gì, không hợp gì, giỏi ở đâu, dễ mệt vì điều gì.
- Đo lường mức độ phù hợp: công việc này mang lại động lực hay chỉ khiến bản thân muốn “log out”?
- Xác định môi trường lý tưởng: làm tốt hơn trong nhóm nhỏ hay môi trường cạnh tranh cao? Thích vai trò dẫn dắt hay hỗ trợ?
4 cách test nghề phù hợp cho sinh viên
- Test trắc nghiệm
Để phần nào giúp sinh viên vượt qua được giai đoạn này thì hiện nay có rất nhiều bài kiểm tra sở thích nghề nghiệp và công việc. Tuy nhiên, lưu ý các bài trắc nghiệm chỉ mang tính chất tham khảo và kết quả có thể thay đổi tùy vào quá trình trải nghiệm của các bạn. Một số trắc nghiệm bạn có thể tham khảo như:
- Mật mã Holland (Holland code test): Đây là bài kiểm tra được tiến sĩ John Holland phát triển nhằm đánh giá sự tương thích về các nhóm sở thích nghề nghiệp và môi trường làm việc.
- 16 personalities: Bài đánh giá đại diện cho 5 khía cạnh về tính cách ảnh hưởng đến thái độ và hành động của bạn. Từ đó, giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và đưa ra một số gợi ý về công việc phù hợp với bạn.
- Tham gia CLB/hoạt động ngoại khóa
Nếu muốn thử sức với ngành truyền thông – marketing, hãy thử nhận vai trò truyền thông cho các CLB trường hoặc tham gia làm nội dung cho một dự án xã hội.
Khi đó, bạn sẽ kiểm tra được:
- Khả năng lập kế hoạch: Có lên timeline được không? Biết phân chia công việc hợp lý không?
- Làm việc nhóm: Giao tiếp trôi chảy hay thường xuyên hiểu sai ý? Có biết xử lý mâu thuẫn?
- Sở thích thật sự: Thích viết bài, lên ý tưởng, chỉnh ảnh – hay cảm thấy mệt mỏi, đuối sức khi làm việc sáng tạo mỗi ngày?
- Tham gia tình nguyện, tổ chức phi lợi nhuận
Đừng nghĩ tình nguyện chỉ là phát cơm từ thiện, nhặt rác hay vận động quyên góp. Với tư duy đúng, tình nguyện và các hoạt động trong tổ chức phi lợi nhuận có thể trở thành môi trường huấn luyện chuyên nghiệp không kém gì đi làm thật.
Ở đây, sinh viên được tiếp cận:
- Cách vận hành một tổ chức (gần giống công ty thu nhỏ).
- Kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án, truyền thông, gây quỹ, thiết kế chiến dịch.
- Cơ hội tiếp xúc với nhiều vai trò để “test nghề” từ truyền thông, hậu cần đến quản lý sự kiện.
Xem bài viết: Top 10 công việc tình nguyện phù hợp với học sinh, sinh viên
- Thử sức với việc làm thực tập sinh/cộng tác viên/bán thời gian
Tham gia thực tập hay công việc part-time/cộng tác viên cũng là cơ hội để sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và khám phá các ngành nghề mình quan tâm. Những công việc này giúp rèn luyện kỹ năng mềm và hỗ trợ sinh viên định hướng nghề nghiệp.
Tại Trường Đại học Mở TP.HCM, Cổng thông tin việc làm (https://vieclam.ou.edu.vn) là nền tảng kết nối sinh viên với doanh nghiệp, cung cấp đa dạng cơ hội việc làm từ bán thời gian, toàn thời gian đến thực tập. Bên cạnh đó, web cũng thường xuyên đăng tải các cơ hội thực tập trong tại các văn phòng Khoa, trung tâm của Trường giúp sinh viên phát triển kỹ năng chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm trong môi trường học thuật.
Rút bài học kinh nghiệm sau mỗi trải nghiệm
Trải nghiệm xong là chưa đủ. Muốn “thử sai có chiến lược”, bạn cần ghi lại và phân tích và rút ra bài học trải nghiệm của riêng mình.
Sau mỗi dự án/công việc, hãy tự hỏi:
- Điều gì đã làm tốt và nên phát huy?
- Điều gì chưa ổn và vì sao lại như vậy?
- Mình sẽ phải làm gì hay cần thêm sự giúp đỡ từ ai để cải thiện tốt hơn?
Hoặc thử trả lời các câu hỏi giúp bạn đánh giá sự phù hợp với công việc:
- Mình có cảm thấy hào hứng khi làm công việc này không?
→ Hay chỉ đang cố gắng hoàn thành cho xong?
- Những nhiệm vụ nào khiến mình thấy “vào guồng” và làm quên cả thời gian?
- Phần nào trong công việc khiến mình thấy mệt mỏi hoặc chán nản nhất?
- Mình có thấy bản thân sử dụng tốt những điểm mạnh của mình không?
→ Hay vẫn đang gồng mình để làm những việc không phù hợp?
- Công việc này có giúp mình phát triển kỹ năng/kinh nghiệm đúng với định hướng tương lai không?
- Sau trải nghiệm này, mình có muốn thử lại lần nữa không – với vai trò tương tự hoặc thử sức ở vị trí khác?
Dùng nhật ký nghề nghiệp hoặc file Excel cá nhân: Tạo một bảng theo dõi các trải nghiệm, chấm điểm từ 1–10 cho các yếu tố như:
- Mức độ phù hợp với kỹ năng
- Mức độ yêu thích
- Cảm giác khi làm việc
- Tác động tích cực/tiêu cực đến tinh thần
Qua vài tháng, bạn sẽ thấy một số công việc lặp đi lặp lại với điểm cao – đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng.
Kết lại
Không ai sinh ra đã biết rõ mình phù hợp với nghề nào. Những người tìm được công việc lý tưởng đều trải qua một hành trình dài với nhiều lựa chọn, nhiều lối rẽ và đôi khi là thất bại. Nhưng điểm chung của họ là: không ngừng thử – luôn học từ sai lầm – và không ngại thay đổi. Nếu đang ở giai đoạn chưa rõ ràng, điều duy nhất cần làm là bắt đầu trải nghiệm theo cách có mục tiêu và chiến lược. Mỗi bước nhỏ sẽ đưa bản thân tiến gần hơn tới công việc phù hợp, không phải bằng may mắn, mà bằng bản lĩnh và sự quyết tâm.
- Sinh viên năm 2: Làm thêm, học kỹ năng hay học chuyên ngành – đâu là ưu tiên? (29/04)
- Bí Quyết Ôn Thi Cuối Kỳ Đạt Điểm Cao Dành Cho Sinh Viên (22/04)
- Sinh viên năm nhất nên học gì ngoài sách vở? Hướng dẫn định hướng nghề nghiệp từ sớm (21/04)
- ĐÁNH BAY NỖI SỢ THUYẾT TRÌNH - TỰ TIN CHINH PHỤC MỌI ÁNH NHÌN! (09/04)
- NGUỒN TÌM KIẾM TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU KHOA HỌC UY TÍN (08/04)
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.