MÔ TẢ CÔNG VIỆC DIGITAL MARKETING THEO TỪNG VỊ TRÍ CỤ THỂ
Công nghệ số ngày càng phát triển, mang đến nhiều thay đổi trong đời sống của con người, không chỉ trong cách chúng ta tương tác, làm việc mà còn thay đổi cả các hành vi mua sắm, tiêu dùng ở hiện tại. Việc mua sắm online ngày càng được ưa chuộng đem đến cho người làm tiếp thị một cơ hội mới, một thị trường mới, khiến họ cũng phải nghĩ đến một phương thức tiếp cận hoàn toàn mới - Digital Marketing.
1. Digital Marketing là gì?
Để mô tả công việc Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) một cách chuẩn xác nhất, ta có thể hình dung đây là những nỗ lực tiếp thị được diễn ra trên Internet. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng các nền tảng kỹ thuật số (mạng xã hội, email và website,…) để kết nối với khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng.
Nếu như các bảng quảng cáo, tờ rơi, điểm bán sản phẩm là công cụ của Marketing truyền thống thì Digital Marketing lại tận dụng triệt để các nền tảng kỹ thuật số để làm tiếp thị. Ngoài ra, Digital Marketing còn thể hiện khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng vượt trội hơn so với Marketing truyền thống, khi có sẵn dữ liệu sở thích và thói quen của họ trên các nền tảng mạng xã hội.
2. Bảng mô tả công việc Digital Marketing
Như đã đề cập bên trên, Digital Marketing là một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả và phù hợp xu thế mới. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có bảng mô tả công việc cho vị trí này khác nhau đôi chút, nhưng nhìn chung nhân viên Digital Marketing bao gồm 8 đầu việc sau đây, cụ thể:
2.1 SEO (Search Engine Optimization)
SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) là quá trình tối ưu hóa trang web của bạn để chúng luôn đứng hàng “top” trên các công cụ tìm kiếm (vd: Google Search), nhằm tăng lượng truy cập tự nhiên. Mục tiêu cuối cùng của SEO là tăng độ nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu.
2.2 Content Writing
Là công việc biên soạn nội dung có giá trị nhằm phục vụ chiến lược/chiến dịch marketing, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp/thương hiệu. Các công việc của Content Writer bao gồm phát triển nội dung theo chiến lược marketing, quản lý nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Từ việc sáng tạo và chia sẻ các nội dung hữu ích đến với khách hàng tiềm năng, giúp họ giải quyết những vấn đề của bản thân, đến việc “bắt trend”, nhằm kéo gần hơn khoảng cách giữa khách hàng và thương hiệu. Content Writer làm cho khách hàng có niềm tin, thiện cảm với thương hiệu và sản phẩm, từ đó thúc đẩy hành vi mua hàng.
2.3 Affiliate Marketing
Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) là một phương thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, người làm tiếp thị thực hiện thu hút người tiêu dùng mua hàng, sử dụng dịch vụ của thương hiệu, từ đó nhận được hoa hồng với mỗi đơn hàng thành công hoặc hoàn thành các hành động cụ thể.
Nói cách khác, Affiliate Marketing tương như các mô hình cộng tác viên thường thấy ở các shop bán hàng online hiện nay. Trong đó, cộng tác viên có nhiệm vụ tìm kiếm khách mua hàng và được thương hiệu trả hoa hồng cho mỗi đơn hàng thành công.
2.4 Email Marketing
Email Marketing là một phương thức tiếp thị vô cùng phổ biến hiện nay, với mục đích truyền tải thông điệp của nhãn hàng đến một nhóm khách hàng và khách hàng tiềm năng. Email Marketing bao gồm các hoạt động như: Thông tin về những sản phẩm, dịch vụ mới, gửi quảng cáo, khuyến mãi,...
2.5 Advertisement
Chạy quảng cáo (ads) là một hình thức “bày bán” sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh trên các kênh online (Google, Facebook, Youtube, Tiktok,... Thông qua đó, thương hiệu truyền tải đến khách hàng những thông tin về sản phẩm, dịch vụ và các ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả, người chạy ads cần phải có các kỹ năng như: Phân tích khách hàng mục tiêu, xây dựng nội dung thu hút hấp dẫn và cân đối ngân sách quảng cáo.
2.6 Design Poster
Poster - Là một ấn phẩm truyền thông chứa đựng các thông điệp mà thương hiệu mong muốn gửi đến khách hàng. Với các yếu tố thị giác (logo, hình ảnh, chữ viết) được sắp xếp đầy ý tứ, qua đó tăng độ nhận diện, yêu thích thương hiệu hay truyền tải thông tin về sản phẩm.
2.7 Edit Video
Với nhiều góc máy, yếu tố âm thanh, hình ảnh khác nhau,… Người làm video có nhiệm vụ biên soạn, cắt ghép thành một ấn phẩm hoàn thiện, chỉn chu nhằm mục đích bán hàng hay quảng cáo.
Một quy trình thiết kế video thường sẽ bắt đầu từ xây dựng kế hoạch và lên ý tưởng đến định hướng nội dung, hình ảnh và cuối cùng là biên tập hậu kỳ. Thêm vào đó, người làm video còn cần phải thông thạo các công cụ như: After Effect, Premiere, Capcut,... để có thể thực hiện ấn phẩm cho doanh nghiệp.
2.8 Lập kế hoạch tiếp thị trên không gian kỹ thuật số
Là một Digital Marketer, bạn sẽ là người lập kế hoạch và triển khai các chiến dịch truyền thông mang sứ mệnh, thông điệp của thương hiệu đến với khách hàng thông qua các trình duyệt và mạng xã hội (Google, Facebook, Tiktok, Youtube,...), sau đó đo lường, phân tích và đề ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chiến dịch.
3. Những vị trí khi làm Digital Marketing
1. Digital Marketing Junior Executive
Là giai đoạn khởi đầu của sự nghiệp. Ở vị trí này, bạn sẽ được rèn luyện và tích lũy các kinh nghiệm của mình thông qua việc hoạch định, báo cáo và triển khai các chiến dịch marketing ở quy mô nhỏ và mức độ đơn giản
Đối với Junior, mức thu nhập đối với vị trí này dao động từ 6 tới 10 triệu đồng/tháng cho từ 1 tới 3 năm kinh nghiệm.
2. Digital Marketing Senior Executive
Vị trí này đòi hỏi cao hơn về khả năng kiểm soát rủi ro, sự cố trong công việc cũng như bắt đầu đòi hỏi về khả năng quản trị, cụ thể với các nhiệm vụ như sau:
-
Hoạch định và lên ý tưởng
-
Thực hiện triển khai và theo dõi các kế hoạch chiến dịch marketing
-
Tổng hợp các số liệu, phân tích và báo cáo cho quản lý và ban giám đốc.
-
Quản lý và hỗ trợ các nhân sự Junior theo sự phân công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các Senior Marketing Executive sẽ chỉ làm chuyên môn mà không can thiệp vào công tác quản trị của doanh nghiệp.
Để hoàn thành tốt những công việc trên, bạn cần phải có từ 2 từ 4 năm kinh nghiệm, thể hiện qua khả năng kiểm soát các chiến dịch ở độ phức tạp và quy mô lớn hơn. Mức lương tham khảo hàng tháng cho vị trí này dao động từ 10 tới 15 triệu đồng/tháng.
3. Digital Marketing Manager
Vai trò chính của người quản lý Digital Marketing là đưa thông tin về thương hiệu trên các “không gian” kỹ thuật số. Dưới đây là các vai trò và trách nhiệm của người quản lý Digital Marketing:
-
Phát triển, hoạch định và quản lý các chiến dịch tiếp thị quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của một công ty.
-
Nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu trên các nền tảng kỹ thuật số.
-
Thúc đẩy lưu lượng truy cập trang web và thu hút khách hàng tiềm năng.
-
Đo lường lưu lượng truy cập trang web, xác định và đánh giá các công nghệ kỹ thuật số mới.
-
Tối ưu hóa các chiến dịch tiếp thị qua email, phương tiện truyền thông xã hội,… bằng cách sử dụng các công cụ phân tích hiệu quả.
Công việc Digital Marketing Manager đòi hỏi từ 5 đến 8 năm kinh nghiệm ở các vị trí tương đương, với mức lương dao động từ 20 đến 40 triệu tháng.
4. Những kỹ năng cần có khi làm Digital Marketing
Xem thêm: SINH VIÊN CÓ NÊN ĐI LÀM TRÁI NGÀNH KHÔNG
4.1 Thông thạo SEO
SEO được chia làm 2 loại, on-page SEO và off-page SEO:
-
On-page SEO: Là thuật ngữ nói về kỹ thuật tối ưu hoá nội dung, cấu trúc, và các yếu tố khác được hiển thị trên trang web. Chẳng hạn, tìm kiếm từ khoá, xác định nhu cầu và câu hỏi tìm kiếm của người dùng để đem đến cho họ những kết quả phù hợp nhất, tất cả chúng đều thuộc SEO on-page.
-
Off-page SEO: Kỹ thuật này tập trung vào xây dựng inbound links hay backlinks. Hiểu một cách đơn giản, đây là những trang web trỏ về website của bạn. Số lượng backlinks cùng với mức độ uy tín của các trang này sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng trang web của bạn.
-
Ngoài ra còn Technical SEO. Đây là kỹ thuật tối ưu công cụ tìm kiếm diễn ra ở phần backend trong trang web của bạn. Nó liên quan đến code, tối ưu hình ảnh, cấu trúc dữ liệu,...
SEO là một kỹ năng quan trọng, giúp tăng thứ hạng và tỷ lệ chuyển đổi từ đó tăng độ nhận diện thương hiệu và doanh thu.
4.2 Kỹ năng phân tích dữ liệu
Bất kể bạn tham gia vào khía cạnh nào của Digital Marketing, kỹ năng phân tích là yếu tố trọng tâm giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn dựa trên những dữ liệu sơ cấp và thứ cấp.
Theo dõi báo cáo thông qua các công cụ như Google Analytics khá đơn giản, nhưng quá trình thu thập và sử dụng thông tin đó để tìm hiểu thêm về hành vi của người tiêu dùng nhằm tăng lưu lượng truy cập và chuyển đổi lại vô cùng khó khăn. Người phân tích dữ liệu cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp, báo cáo để thực sự hoàn thiện kỹ năng này.
4.3 Kỹ năng kể chuyện (Storytelling)
Cho dù bạn đang viết caption cho một bài đăng trên Facebook hay một bài báo hàng nghìn chữ về đề tài chuyên môn, kỹ năng kể chuyện storytelling xuất sắc chính là “tài sản quý báu” của một Digital Marketer.
Khi sở hữu khả năng kể chuyện hấp dẫn và lôi cuốn, bạn không những có thể truyền đạt ý tưởng rõ ràng mà còn khiến nó trở nên thu hút đối với người đọc.
4.4 Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo
Khi bạn thực hiện một chiến dịch Digital Marketing, đối thủ cạnh tranh của bạn cũng đang nỗ lực làm điều đó. Chính vì thế, bạn phải luôn nghĩ ra những giải pháp sáng tạo, đổi mới để thu hút sự chú ý của người dùng đối với sản phẩm.
4.5 Thích ứng nhanh với thay đổi
Công nghệ kỹ thuật số phát triển từng ngày, buộc các Digital Marketer phải có khả năng trau dồi, cập nhật và thích ứng liên tục. Mỗi khi có những xu hướng mới xuất hiện, họ phải có khả năng “bắt trend” một cách đầy sáng tạo và nhạy bén, dung hòa được sự kiện đang diễn ra và yếu tố thương hiệu. Bên cạnh đó, những rủi ro do sự thay đổi liên tục cũng thường xảy ra.
Để hạn chế tối đa những khó khăn bất ngờ, những người làm Digital Marketing còn phải học cách dự trù rủi ro và dự đoán các xu hướng mới. Có thế, họ sẽ luôn đứng ở vị trí tiên phong trong thị trường.
4.6 Am hiểu về các yếu tố hình ảnh thị giác
Digital Marketer cần có tư duy hình ảnh thị giác và kỹ năng thiết kế, quay dựng chuyên nghiệp để thực hiện những ấn phẩm thực sự thu hút và bắt mắt. Thông qua đó, tăng độ nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu.
4.7 Thuyết phục
Có thể nói, sức mạnh của hình ảnh và ngôn từ là vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu để lại dấu ấn trong lòng khách hàng. Ngoài ra, khả năng thuyết phục còn được thể hiện qua việc trình bày những ý tưởng, sáng kiến cho cấp trên hay thay đổi quan điểm của đồng nghiệp trong quá trình làm việc nhóm.
Kết lại
Digital Marketing là một ngành khá mới mẻ, phù hợp với những bạn ưa thích hoạt động sáng tạo. Để trở thành một Marketer xuất sắc, bạn phải luôn nắm bắt những xu hướng mới, thành thạo các công cụ kỹ thuật số… để từ đó khai thác, sử dụng trong công việc của mình.
Nguồn tham khảo: glints
—————
Trung tâm Hướng nghiệp - Tư vấn việc làm Trường Đại học Mở TP.HCM
Website: vieclam.ou.edu.vn
Email: huongnghiepvieclam@ou.edu.vn
SĐT: (028) 3930 0952
Tin khác
[Trở về]
- 6 TIPS GIÚP SINH VIÊN THOÁT KHỎI ÁC MỘNG LÀM VIỆC NHÓM (08/03)
- TRỢ LÝ GỒM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ? MÔ TẢ CHI TIẾT YÊU CẦU CÔNG VIỆC (08/03)
- SINH VIÊN CÓ THỂ TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC TẬP Ở ĐÂU (07/03)
- NHÂN VIÊN KẾ TOÁN LÀ GÌ? BẢNG MÔ TẢ CÔNG VIỆC CHI TIẾT (06/03)
- BÍ QUYẾT DEAL LƯƠNG HIỆU QUẢ KHI PHỎNG VẤN (06/03)
Tìm việc làm
Kết nối với trường ĐH Mở TPHCM
Thăm dò ý kiến
Bạn mong muốn làm việc ở đâu?
- Khu vực công.
- Khu vực tư nhân.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
- Tự tạo doanh nghiệp.